Đang truy cập: 555
Trong ngày: 586
Trong tuần: 716
Lượt truy cập: 5888441

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Tìm kiếm

Một số biện pháp nâng cao chất lượng học tập các môn văn hóa của khối đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp hệ 9 + 3  tại trường Cao đẳng Bến Tre
Lượt xem: 2903

25-02-2014 16:42

 

 

 

 

 

Một số biện pháp nâng cao chất lượng học tập các môn văn hóa

của khối đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp hệ 9 + 3

tại trường Cao đẳng Bến Tre

 

      Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong những nhân tố có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước thời kỳ này thì nguồn nhân lực luôn là nhân tố quyết định. Con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một trong những nguồn nhân lực đáp ứng trực tiếp cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là lực lượng lao động lành nghề trong đó hệ giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp cung cấp một lượng không nhỏ. Vì vậy để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải có một lực lượng lao động chất lượng cao vừa đạt chuẩn về tay nghề vừa đạt chuẩn về trình độ văn hóa. Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng trong các trường đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có trường Cao đẳng Bến Tre.

Chất lượng đào tạo khối Trung cấp chuyên nghiệp nhất là hệ 9 + 3 (gồm các học sinh mới tốt nghiệp THCS và một số học sinh chưa thi đậu tốt nghiệp THPT), trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, chất lượng đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp còn nhiều bất cập, ngoài việc chương trình còn nặng về lý thuyết, thực hành còn ít nên kỹ năng nghề của học sinh chưa chuyên sâu, sự hiểu biết về thực tiễn còn ít, khoảng cách giữa tay nghề và chuyên môn của học sinh so với nhu cầu xã hội còn quá xa, thì các học sinh khối đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp hệ 9 +3 còn phải học thêm bốn môn văn hóa là Văn, Toán, Lý, Hóa là những môn học mà các em rất sợ và rất khó cho các em do kiến thức đã bị mất căn bản từ THCS. Hệ thống các trường Trung cấp chuyên nghiệp thiếu thông tin về dự báo nhu cầu đào tạo, thiếu thông tin về thị trường lao động nên hạn chế về cầu nối giữa đào tạo và sử dụng, nguồn lực đầu tư cho việc đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp chưa đúng mức, chưa tương xứng.

Để giải quyết vấn đề đó tôi xin nêu lên một số nguyên nhân và đề ra một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên như sau:  

1. Nguyên nhân

  • Từ học sinh:

- Học sinh không hứng thú học tập các môn văn hóa (Văn, Toán, Lý, Hóa) của khối đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp hệ 9 + 3 vì học sinh rỗng kiến thức cơ bản, do đó sự tiếp thu kiến thức ngày càng khó khăn và thiếu hụt.

- Chất lượng đầu vào thấp, học sinh học yếu môn Toán thì khó có khả năng tiếp thu kiến thức môn Lý, Hóa do đó học sinh sợ và không ham thích học. 

 - Một số em lười học, thiếu sự chuẩn bị chu đáo về tư tưởng và tâm lý nên dẫn tới không nắm được các kĩ năng cần thiết trong việc học và vận dụng vào việc giải quyết các dạng bài tập.

- Một số em thiếu  tìm tòi, sáng tạo trong học tập, không có sự phấn đấu vươn lên, có thói quen chờ đợi, lười suy nghĩ hay dựa vào giáo viên, bạn bè hoặc xem lời giải sẵn trong sách giải một cách thụ động.

  • ·  Từ giáo viên:

- Chưa thực sự quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh trong cả lớp mà chỉ chú trọng một số em học khá, giỏi; giáo viên chưa thật tâm lý, chưa động viên khéo léo kịp thời đối với những tiến bộ của học sinh dù nhỏ.

- Chưa cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức với rèn luyện kỹ năng thực hành

- Không nắm chắc đối tượng dẫn tới đề ra yêu cầu quá cao hoặc quá thấp đối với học sinh.

- Chưa tạo được không khí học tập thân thiện. Giáo viên chưa phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.

- Phương pháp dạy học chậm đổi mới: Nhiều giáo viên chưa chú ý đến phương pháp dạy học đặc trưng của bộ môn: không có thí nghiệm trên lớp, không quan tâm đến giờ thực hành thí nghiệm, phương tiện dạy học nghèo nàn, lạc hậu, chưa áp dụng phương tiện dạy học hiện đại vào bài giảng trên lớp.

- Việc kiểm tra, đánh giá chưa nghiêm túc, chưa có tác dụng khích lệ học sinh trong học tập.

  • · Từ phụ huynh học sinh và xã hội:

- Một số học sinh là con em nhân dân lao động, nghèo ít có điều kiện đầu tư việc học cho con cái.

- Một số phụ huynh không quan tâm đến việc học của con em, khoán trắng việc học tập của con em họ cho nhà trường.

- Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với internet với các dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn đã lôi cuốn các em.

2. Đề xuất biện pháp

Từ những nguyên nhân trên, tôi đề ra một số biện pháp cụ thể nhằm làm giảm tỉ lệ học sinh yếu kém đối với việc học các môn văn hóa của các lớp Trung cấp chuyên nghiệp hệ 9 + 3 như sau:

2.1 Mỗi giáo viên cần tạo động cơ, gây lòng tin, hứng thú say mê, yêu thích học tập bộ môn do mình phụ trách cho học sinh. Giúp học sinh xác định đúng động cơ thái độ học tập: Học là để có kiến thức, để làm người, để chiếm lĩnh tri thức của loài người, biến kiến thức đó thành kiến thức của mình, học để lập thân, lập nghiệp nhằm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Có như vậy  học sinh mới tự giác học tập, chăm chỉ học tập, cố gắng vươn lên. Thường xuyên gần gũi chăm lo, động viên học sinh, chỉ dẫn, kèm cặp học sinh trong quá trình thực hiện. Tránh sự nóng vội, buông trôi, phó mặc.

2.2 Bù đắp kiến thức cơ bản cho học sinh yếu kém để các em kịp thời hòa nhập với lớp, hướng dẫn các em tạo thành nhóm học tập để giúp đỡ nhau trong học tập đồng thời giáo viên phải hướng dẫn cụ thể cách thức hoạt động của nhóm, của mỗi thành viên trong nhóm, và thường xuyên theo dõi uốn nắn, điều chỉnh kịp thời.

2.3 Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh. Việc đổi mới cần gắn với khai thác, sử dụng thiết bị giáo dục trên cơ sở bám sát nội dung sách giáo khoa, yêu cầu bộ môn về chuẩn kiến thức kĩ năng.

2.4 Học sinh phải được làm việc tham gia chiếm lĩnh kiến thức mới. Để thực hiện tốt vấn đề này giáo viên cần quan tâm tới các đối tượng học sinh, đặc biệt với học sinh yếu kém. Dạy học sinh cách học trong đó có phương pháp tự học là yêu cầu bắt buộc luôn phải đặt ra trong mỗi giờ lên lớp. Lồng ghép dạy kiến thức với bù đắp kiến thức còn thiếu cho học sinh và dùng kiến thức mới để củng cố kiến thức mà học sinh đã học trước đó. Xây dựng hệ thống bài tập trong giờ phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau. Có câu hỏi phát hiện dấu hiệu bên ngoài, có câu hỏi về bản chất, cần có tư duy, so sánh, khái quát tổng hợp cao...

2.5 Dạy học sinh trong đó có tự học: Học- Hỏi - Hiểu – Hành. Cho học sinh làm việc nhiều hơn, tăng cường bài tập vận dụng kiến thức, bài tập rèn luyện kiến thức, bài tập rèn luyện kĩ năng thích hợp cho các đối tượng. “Hiểu” để “Hành” và “Hành” để sáng tỏ kiến thức đã “Hiểu”. Học trước hết để hiểu, hiểu trên cơ sở đó mà hành. Hiểu là điểm tựa, hành để phát triển.

2.6 Thường xuyên kiểm tra đánh giá học sinh.

2.7 Phối hợp chặt trẽ giữa gia đình và nhà trường: Trao đổi để giúp phụ huynh xác định rõ mục đích cho con đi học. Không nên tận dụng sức lao động của con em mình quá sớm, các bậc phụ huynh còn phải quan tâm quản lý nghiêm giờ giấc học tập của con em mình, thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để tìm hiểu việc học tập của con em mình.

3. Kết luận:      

Để đạt được kết quả tốt trong giảng dạy người thầy phải có niềm say mê, tình yêu thương đối với học trò, tính kiên nhẫn, có niềm tin và không ngại khó. Là giáo viên đứng lớp, được tiếp xúc với các em hàng ngày, phải hiểu được tâm lí của lứa tuổi học trò, phải luôn tạo cho các em niềm tin:“Việc học tập là niềm vui của lứa tuổi các em”. Khi các em đã yêu thích môn học rồi thì việc hạn chế được tỉ lệ học sinh yếu kém là không khó.

Trên đây là một số biện pháp mà tôi đã trau dồi, tìm tòi, học hỏi và tích lũy được trong thời gian qua với mong  muốn góp một phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy và học các môn văn hóa và giảm tỉ lệ học sinh yếu kém đối với khối đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp hệ 9 + 3

                                                             

                                                                                          

TRẦN THỊ THU

 PTK. Khoa Khoa học Tự nhiên

 

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG BẾN TRE

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT

Địa chỉ:

  • CS1: 400/1, ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre
  • CS2: 78 Đoàn Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre

Điện thoại: 0275 3 822 294

Copyright © by Trường Cao đẳng Bến Tre