Đang truy cập: 516
Trong ngày: 591
Trong tuần: 591
Lượt truy cập: 6223647

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Tìm kiếm

“Ngọn lửa trên cù lao” – Trường ca về Đồng Khởi của Nguyễn Chí Bền - Nguyên GV Trường CĐBT
Lượt xem: 588

13-01-2015 14:51

 

 

 

 

 

 

 

 “Ngọn lửa trên cù lao” – Trường ca về Đồng Khởi của Nguyễn Chí Bền – Nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Bến Tre.

 

Bài viết nhân kỷ niệm 55 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi 17/01/1960 – 17/01/2015

 

            Do dung lượng cảm xúc quá phong phú và choáng ngộp, nên vào những ngày mới giải giải phóng, thể loại trường ca đã được chọn để sử dụng trong sáng tác. Với 13 năm cống hiến sức mình cho Quê hương  Đồng Khởi, Anh Nguyễn Chí Bền, người dạy học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre (1977 – 1990), nay là Trường Cao đẳng Bến Tre đã viết Trường ca “ Ngọn lửa trên cù lao” mà ngay trong đề tài anh đã ghi:

            “Kính dâng linh hồn của những người đã ra đi, tri ân những người còn sống anh dũng làm nên cuộc Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre”.

            Cuối quyển sách tác giả còn ghi: “ Bến Tre, ngày 17 tháng 11 năm 1985 – Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2014”. Đó là ngày anh bỏ công để làm nên quyển sách này, trong đó có những ngày tháng 9 của ngót 30 năm sau đầy ắp kỷ niệm anh trở lại ngôi trường mình từng gắn bó dự lễ kỷ niệm 37 năm tiếp nối truyền thống đào tạo và 10 năm thành lập trường Cao đẳng Bến Tre...

            Quyển sách gồm 5 chương:

            + Chương phụ đề: Không phải huyền thoại.

            + Chương một: Mảnh ruộng không bình yên.

            + Chương hai: Người đất cù lao.

            + Chương ba: Đồng Khởi.

            + Chương vĩ thanh: Ngọn lửa của những người áo vải

            Đọc quyển “ Ngọc lửa trên cù lao” do Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội xuất bản, năm 2014, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa nhiệt tình và niềm tự hào về những con người đã hy sinh, đã ngã xuống và những con người còn sống, cống hiến tiếp tục cho sự phát triển giàu mạnh, vẻ vang của đất Bến Tre.

            Riêng tôi, một người từng dạy chung, họp hành, sinh hoạt chung Tổ Văn, Cao đẳng Sư phạm Bến Tre với anh Chí Bền, chỉ xin nói lên một thoáng cảm nhận về tác phẩm “Ngọn lửa trên cù lao”, mà theo tôi nó chính là thành tựu của những ngày gian khổ làm thảm lau chân để mưu sinh, để trụ vững tại trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre. Những năm tháng miệt mài với những giọt mồ hôi lội sình, lội bùn đi điền dã… để rồi ngày hôm nay có được những chương cháy bỏng về bóng dáng của con người Bến Tre và một cách nhìn, cách đánh giá về ngọn lửa thần kì Đồng Khởi, ngọn lửa đốt lên và hừng hực tỏa sáng từ lá dừa, từ tay của “Đội quân tóc dài” bách chiến, bách thắng vinh danh người phụ nữ Bến Tre.

Ảnh Nhóm Sáng Tạo Trẻ Bến Tre

 Ngay ở chương phụ đề: “Không phải là huyền thoại” tác giả đã khẳng định về những con người không phải sinh ra từ trong huyền thoại, mà chính là từ trong cuộc di dân mở đất, dám “phá sơn lâm, đâm hà bá” đó là những con người:

            “Ngẩng mặt lên hỏi trời

            Cuối xuống hỏi đôi bàn tay

            Bàn chân tới nơi đây

            Bám đất này mà sống”. (trang 9)

            Ở chương này, cảnh vật như ùa vào mắt ta, cảnh những “anh trai cày không đất”, tay cầm chiếc phảng phát củ lác, củ co… Trước họa xâm lăng, người dân quê này đã “nợ nước trước tình nhà” và lồng lộng, sừng sững: Phan Tòng, Nguyễn Đình Chiểu và…những người sẽ viết nên trang sử mới mang tên Đồng Khởi và Nghị quyết 15.

            Từ chương một: “Mảnh ruộng không bình yên”, đã hiển hiện lên các phần:

            Phần 1: “Những người ở lại”, là chuyện người ở lại chờ người đi tập kết. Những năm tháng đi thực tế, anh Bền đã được nghe kể và nghiên cứu tài liệu, về lại Trường Cao đẳng, được bạn bè, được đồng chí kể lại và tất cả ăn sâu vào trong tiềm thức tạo nên vết khắc chạm trở nên hình tượng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

            Chính sách bỏ chồng đi tập kết, lấy lính ngụy, tố cộng của Ngô Đình Diệm  và cái gọi là “Khu trù mật”, vẫn không diệt được lòng dân đang hực lửa căm thù.

            Phần 2: “Những lời tuyên bố” của Ngụy quyền và của bè lũ đế quốc, bọn Oa-sinh-tơn: Đó là những lời tuyên bố hòng dâng và chiếm nước Việt Nam. Đằng sau những lời tuyên bố này là những cuộc thảm sát, giết người hang loạt.

            Những năm tháng cận kề cùng Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, cùng Sở Văn hóa Thông tin và sống với anh em ở Trường Cao đẳng, những tháng ngày về các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày…anh Bền đã có được những kho tư liệu để dựng nên những chi tiết độc đáo và chân thật.

            Phần 3: “Nấm mộ” của những người ngã xuống, những Đảng viên trung kiên

“ Sống đánh giặc, chết cũng đánh giặc”, trung thành một lòng vì Tổ quốc vì nhân dân.

            Ở phần 4: “Mảnh ruộng” là nơi chàng trai nông dân “Một tấc không đi, một li không rời, kẻ thù phải chết khi cố tình đụng đến:

            Một đời cha chật vật

            Hai thứ tóc trên đầu mới có công ruộng đầu tiên

Công ruộng với cha như người anh em

Lẽ nào kẻ thù giành giật được

Chính vì thế:

            “ Đây là đất của ông bà xưa để lại

            Kẻ nào muốn lấy đi phải bỏ xác tại nơi này” (tr. 31)

            Và chính ở chương này, những gương mặt địa chủ hút máu, nhân dân dần dần hiện rõ ra.

            Ở chương 2: “ Người đất cù lao”, những con người từ ba cù lao: Minh, Bảo, An Hóa hiện với các phần:

            Phần 1: “Tuyên truyền có thực” Đó là những em nhỏ, những người phụ nữ, những con người “ Sống gần Đảng, chết không rời Đảng – Những trái tim như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu).

            Phần 2: “Chuyện ngỡ không xảy ra” là chuyện nỗi khổ bị truy bức của những người có chồng, có con đi tập kết. Ở đây, lại hiện lên những “đứa Việt gian”, những thằng chỉ điểm”, những kẻ hai lòng phản bội quê hương. Những kẻ chiêu hồi mà nhân dân gọi là “thằng đầu thú”. Có sự chơi chữ tuyệt vời ở đây.

            Phần 3: “Hành trình đêm máu lửa”, hay là đêm tiền khởi nghĩa.

            “Má lặng lẽ chờ gà gọi sáng

            Như cây dừa chờ mùa tới trổ đầy hoa

Mùa bông tụ cho trái đầy nước ngọt” (tr. 48)

Và chương trọng tâm, chương 3: “Đồng Khởi”

            Phần 1: “Một trăm sáu mươi hai Đảng viên còn lại”: Những người này không cô độc, vì bên anh luôn có Đảng, có Bác Hồ và có cả lòng dân. Chính từ đây mà có đội quân tóc dài, có bộ đội Thu Hà lừng lẫy.

            Phần 2: “Bài ca mãi mả tấn”, là đoạn viết về vũ khí và sức mạnh của nhân dân.

            Phần 3: “Tiếng mõ và ngọn lửa”, hai cái đã tượng trưng cho sức mạnh thần kỳ vô địch, đã làm nên chiến công hiển hách, chiến công mang tên “Đồng Khởi”.

            Các phần tiếp theo, phần bốn: “Văn xuôi ghi trên dòng sông”, phần năm: “Đội quân tóc dài”, là lịch sử bản trường ca hào hùng của phong trào Đồng Khởi. Ở đó, có khăn rằn Đồng Khởi, có những người con hối lỗi, nộp súng quay về với nhân dân.

            Cuối cùng là chương vĩ thanh, đây là chương thay cho lời tổng kết. Chương này mang tên: “Ngọn lửa của những người áo vải”. Phần một: “Ngày về”, náo nức tiếng cười, uất nghẹn những đau thương. Phần 2: “Ký ức về ngoại”. Hình ảnh người phụ nữ tuyệt vời với muôn đời, muôn kiếp, đó là những bà mẹ anh hùng, mà những huy chương, bằng khen không sao bù đắp được cho lòng mẹ, của những bà mẹ Việt Nam. Chỉ có thể nói rằng: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chương này, ở phần 3: “Tự sự bên ván ngựa” là đoạn thơ nói về những trái ngang, nghịch cảnh trong gia đình ngày đoàn tụ. Chồng tập kết có vợ khác trong khi chị kiên trì chờ đợi, hai người đồng chí lại là con của hai người mẹ khác nhau.

            Ở “Khúc trầm tư của dòng sông, phần 4, đây là khúc ru của cuộc đời, của những người cơ cực qua đi, những ngày mới lại về.

            Phần thứ năm: “ Ngọn lửa trên kỳ đài” tự kể “ khi hằng năm đến ngày 17/01, ngọn lửa truyền thống lại thắp lên, ngọn lửa luôn thầm nhắc: Các anh chị, các em ơi, những hy sinh của người đi trước là để giữ độc lập tự do cho muôn đời sau đấy!

            Phần thứ sáu: “ Bàn tay và chân trời” gợi ta nhớ đến câu thơ:

            “Bàn tay ta làm nên tất cả”

            Chúng ta sẽ nhìn về phía chân trời tươi sáng, nơi ánh hồng đã bừng lên, nơi nguồn sống dâng tràn. Hay tiến lên, góp bàn tay xây dựng.

            Xin mượn mấy dòng thơ của anh Chí Bền làm tiểu kết cho bài viết:

            “Biển Đông ngày đêm sóng vỗ ầm ào

            Mãi mê kể về ngọn lửa trên cù lao

            Ngọn lửa bất diệt của những người áo vải”.

            Xin được gửi bài này đến ngày Đồng Khởi ngày 17/01 và gởi lời cảm ơn tha thiết đến Nguyễn Chí Bền, người thầy giáo đã có những đóng góp cho các lớp học sinh sư phạm và cho Đồng bào Bến Tre với cả đời trai trẻ sung mãn nhất của anh./.

                                                               

                                                                                  Nguyễn Văn Lượng

 

 

 

 

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG BẾN TRE

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT

Địa chỉ:

  • CS1: 400/1, ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre
  • CS2: 78 Đoàn Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre

Điện thoại: 0275 3 822 294

Copyright © by Trường Cao đẳng Bến Tre