Đang truy cập: 391
Trong ngày: 512
Trong tuần: 512
Lượt truy cập: 6287083

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Tìm kiếm

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học các học phần văn hóa của hệ Trung cấp Chuyên nghiệp
Lượt xem: 458

15-01-2015 10:26

 

 

 

 

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học

các học phần văn hóa của hệ Trung cấp Chuyên nghiệp

         Trong những năm gần đây, chúng ta phải thừa nhận rằng, hệ thống giáo dục ở nước ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, đã có những chính sách đổi mới và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên vấn đề quản lý học sinh (HS) trong hệ thống giáo dục nghề ở các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nói chung và trường Cao đẳng Bến Tre (CĐBT) nói riêng, còn rất nhiều lúng túng và bất cập, đưa đến chất lượng đào tạo chưa cao, HS ra trường không đáp ứng được nhu cầu của xã hội: văn hóa thấp, tay nghề còn yếu. Vì thế cần phải có giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả thực trạng trên để nhằm đáp ứng một đòi hỏi hết sức cần thiết là nâng cao chất lượng đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

        Để có thể giải quyết được thực trạng này, theo chúng tôi thấy chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện rồi đánh giá và tìm ra các giải pháp điều chỉnh đồng bộ ở tất cả các mặt trong quá trình dạy và học trong trường CĐBT.

1. Tình hình và nguyên nhân

        -Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và các chủ trương của Đảng, Nhà nước

về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: cơ sở vật chất khang trang hơn, trang thiết bị được đầu tư từng lúc nhiều hơn, số lượng HS tăng theo từng năm, chất lượng đào tạo có tiến bộ; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý; Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội; Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến nhất định.

        Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục nghề nghiệp mà đặc trưng là hệ TCCN trong Nhà trường dành cho HS vừa mới tốt nghiệp cấp II và số HS chưa tốt nghiệp cấp III (hệ B). Đối với HS hệ B còn xem nhẹ các môn văn hóa, HS chỉ chú trọng đến việc học chuyên ngành, nên các em chủ quan không lo học, kết quả thường sau một năm học văn hóa các em nợ rất nhiều rải đều ở các học phần; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, công tác giáo vụ khoa và phòng công tác HSSV chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau và với GVCN; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết trong nghề nghiệp.               

           Nguyên nhân cho những hạn chế trên là:

         - Việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp còn chậm và lúng túng. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.Nhiều văn bản hướng dẫn đối với công tác giáo dục còn bất cập, chưa rõ ràng; chế độ, chính sách đối với cán bộ, GV còn bất hợp lý, chưa khuyến khích, thúc đẩy năng lực sáng tạo của giáo viên.

        - Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Công tác quản lý chất lượng chưa được coi trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình chưa chặt chẽ. Phần đông có tư tưởng ỷ lại vào nhà trường và Thầy cô. Đầu vào xét tuyển điểm quá thấp, trình độ giữa các HS không đồng đều, một số HS đi học do gia đình ép buộc, không có mục tiêu phấn đấu nên chán nản không muốn học.

        Từ tình hình và nguyên nhân trên, vai trò là một cán bộ giảng dạy, chúng ta thẳng thắn nhìn vào sự thật là học sinh vắng mặt với nhiều lý do, hoặc nếu đến lớp thì có thái độ học đối phó, thụ động, không chú trọng thi cử, không cần kiến thức, chất lượng yếu, nhận thức kém, đạo đức tác phong không nghiêm túc v.v… trách nhiệm này không phải chỉ ở khâu quản lý của giáo vụ Khoa hay bộ phận làm công tác quản lý HS hoặc GVCN mà còn có một nguyên nhân trực tiếp rất sâu xa tác động rất lớn vào quá trình quản lý HS, đó là nội dung chương trình học (HS ở hệ này thường học yếu hoặc bỏ học đã lâu không theo nổi chương trình học ở phổ thông mà lên TCCN còn phải học lại chương trình văn hóa), phương pháp giảng dạy, năng lực giảng dạy, tâm huyết của đội ngũ giảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình yêu thích, say mê học tập của HS.

  

 Ảnh minh hoạ

2. Giải pháp

         Với nhận thức đó, để góp phần quản lý tốt HS, nhằm giúp HS học tốt các môn văn hóa khối TCCN hệ B, chúng tôi đưa ra vài giải pháp để khắc phục tình trạng chung hiện nay như  sau:

        - Trước hết là GV, chúng ta phải kích thích được tính tự giác của học sinh trong quá trình học tập; xem việc lên lớp nghe giảng là nhu cầu bức thiết của người học chứ không phải vì sợ điểm danh hay sợ bị cấm thi mới có mặt trên lớp. Muốn làm được như vậy thì nội dung giảng dạy phải phù hợp với tính đặc thù của đối tượng giảng dạy. Vì vậy, cần rà soát lại và xây dựng một cách hệ thống toàn bộ nội dung giảng dạy của từng môn học văn hóa sao cho phù hợp với đặc trưng nghề nghiệp mà học sinh đang theo.

        - Đội ngũ giảng viên không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa sâu, vừa rộng,  phương pháp giảng dạy tốt mà còn phải am hiểu sâu sắc thực tiễn thì mới có thể gắn lý thuyết với thực tế, để làm cho bài giảng của mình có tính thuyết phục được người học, gợi niềm say mê hứng thú cho người học.

        - Cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm để kêu gọi tính tự giác trong học tập của học sinh, chủ động hơn trong giờ học, đối với HS hệ B chúng ta cần phải hiểu rõ đối tượng và áp dụng phương pháp dạy sát đối tượng để khơi dậy sự tự tin của các em HS yếu kém, kích thích sự tích cực đối với HS khá giỏi.

        - Mỗi CBGV tự nâng cao trình độ nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tự tin sáng tạo trong giảng dạy, có khả năng biến lớp học thành sân chơi trí tuệ giúp học sinh học tập tốt hơn. Nội dung giáo dục đối với hệ TCCN B cần được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, kết hợp tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học sau khi ra trường.

        - Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan theo hướng giảm áp lực và đánh giá đúng năng lực của học sinh. Giảng viên các khoa, bộ môn cần phối hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau trong dạy học như diễn giảng, kết hợp với nêu vấn đề, sử dụng tình huống và các phương tiện khoa học kỹ thuật hỗ trợ nhất là tăng cường giảng dạy theo những tình huống có vấn đề, buộc HS phải động não tìm ra phương án để giải quyết các tình huống đó.

         -Tăng cường hoạt động đối thoại, hỏi đáp giữa giáo viên và học sinh.

         Tóm lại nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục, hiện nay là vấn đề được BGD-ĐT và toàn xã hội quan tâm, nó đáp ứng nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng hay không tùy thuộc vào sự giáo dục của chúng ta, những người Thầy-Cô đứng trên bục giảng. Vì vậy, chúng ta nhận trách nhiệm hết sức nặng nề mà xã hội đã giao phó, do đó với cách nhìn về góc độ chuyên môn chúng ta xem các vấn đề vừa nêu là những giải pháp giúp chúng ta bảo đảm cho việc nâng cao hiệu quả quản lý việc học tập và giáo dục HS trong nhà trường nhất là HS TCCN hệ B.

 

                                                                                                            TRẦN THỊ THU

                                                                                                Trưởng Khoa Khoa KH Tự nhiên

 

 

 

 

 

 

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG BẾN TRE

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT

Địa chỉ:

  • CS1: 400/1, ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre
  • CS2: 78 Đoàn Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre

Điện thoại: 0275 3 822 294

Copyright © by Trường Cao đẳng Bến Tre