Đang truy cập: 20 Trong ngày: 241 Trong tuần: 1672 Lượt truy cập: 3848222 |
|
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Quá trình thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre xuất phát từ đường lối đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Bến Tre về đào tạo nguồn lực cán bộ, lực lượng lao động các ngành nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
1. Sự cần thiết thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre
Trước nhu cầu đội ngũ nhân lực tỉnh Bến Tre đến năm 2010 và các năm tiếp sau là: đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học của tỉnh ngày càng tăng về số lượng, cao về chất lượng đòi hỏi địa phương Bến Tre cần phải có một trường Cao đẳng đào tạo đa ngành để góp phần tích cực cùng với các trường cao đẳng và đại học Trung ương đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ nhu cầu trên cần thiết phải sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo. Đề án thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre đã nêu rõ: “Nhu cầu đào tạo giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở của tỉnh đã bão hòa, trong khi nguồn nhân lực được đào tạo ở trình độ trung cấp của một số ngành kinh tế-kỹ thuật hiện nay đã có xu hướng không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp”.
Thuận lợi cơ bản của việc hợp nhất ba đơn vị Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, Trường Trung học Kinh tế- Kỹ thuật Bến Tre, Trường Trung học Kỹ thuật- Công nghiệp Bến Tre là vị trí địa lý ba trường gần nhau và có chung một đơn vị chủ quản là Sở Giáo dục- Đào tạo Bến Tre. Khi hợp nhất ba trường vừa khắc phục được việc phân tán nguồn lực đầu tư cho đào tạo, vừa phát huy được nguồn lực của mỗi trường tạo nên một sức mạnh tổng hợp, là cơ sở mở rộng chức năng và quy mô đào tạo.
2. Quá trình chuẩn bị thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre
Việc thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre được chuẩn bị trong ba năm 2001- 2003 với 3 tiền đề quan trọng: tiền đề về pháp lý, tiền đề về cơ sở khoa học và tiền đề về xây dựng Đề án thành lập trường.
2.1. Về cơ sở pháp lý, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2000/NĐ-CP về qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VII đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục và đào tạo Bến Tre giai đoạn 2001- 2005 là: “Chuẩn bị các điều kiện để chuyển Trường Cao đẳng Sư phạm hiện nay thành Trường Cao đẳng Cộng đồng, các Trường Trung học chuyên nghiệp thực hiện đào tạo đa hệ, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động, kể cả xuất khẩu và theo kế hoạch Nhà nước”. Thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, các cơ quan chức năng triển khai các bước cho quá trình thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre, trong đó có việc lựa chọn mô hình xây dựng trường Cao đẳng đa ngành, đa bậc, đa hệ. Ngày 4 tháng 4 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt
2.2. Về cơ sở khoa học, qua nghiên cứu của các ngành chức năng cho thấy nhu cầu đội ngũ nguồn nhân lực qua đào tạo tại Bến Tre đến năm 2010 là rất lớn, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn địa phương. Qua phân tích số liệu điều tra lao động và việc làm của Bến Tre vào tháng 7 năm 2002 thì trong số 687.308 lao động (15 tuổi trở lên) có hoạt động kinh tế thường xuyên có tới 87,03% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 6,92% có chứng chỉ nghề và có trình độ công nhân kỹ thuật, 2,12% có trình độ trung học chuyên nghiệp và chỉ có 1,93% có trình độ đại học, cao đẳng (Đề án thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre của UBND tỉnh tháng 12 năm 2003). Như vậy, mặt bằng lao động qua đào tạo tại địa phương còn thấp, số lao động có trình độ cao rất ít, điều này ảnh hưởng trực tiếp hạn chế sức lao động, năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu đội ngũ nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2010 là 843.976 lao động. Và theo yêu cầu mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển giáo dục của Chính phủ giai đoạn 2001- 2010 thì đến năm 2010, lực lượng lao động qua đào tạo phải đạt 40%, trong đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng là 6%, lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 8% và lao động có trình độ công nhân kỹ thuật là 26%. Luận chứng trên cho thấy: nhu cầu bổ sung nguồn lực lao động có trình độ đại học, cao đẳng vào đội ngũ nhân lực của tỉnh từ năm 2002 đến 2010 là khoảng 37.374 người, bình quân mỗi năm cần 4.672 người.
Từ yêu cầu cấp thiết về nhu cầu nhân lực trình độ cao của địa phương và thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục của Chính phủ đến năm 2010, việc hợp nhất ba đơn vị Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, Trường Trung học Kinh tế- Kỹ thuật Bến Tre, Trường Trung học Kỹ thuật- Công nghiệp Bến Tre là giải pháp hữu hiệu và có hướng phát triển lâu dài.
2.3. Quá trìnhxây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập trường
Trường Cao đẳng Bến Tre được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thường xuyên với sự đồng tình tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh. Tháng 12 năm 2003, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án thành lập trường Trường Cao đẳng Bến Tre. Đề án có sự đóng góp trí tuệ của nhiều ban ngành tỉnh với tinh thần cộng đồng trách nhiệm và nhất trí cao. Nội dung quan trọng của đề án là khảo sát và đánh giá thực trạng của ba trường thành viên về các mặt: quy mô đào tạo từ năm học 1998 - 1999 đến năm học 2002 - 2003, biên chế tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy và thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật. Những luận chứng trong Đề án đã nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thành lập mới Trường Cao đẳng Bến Tre trên cơ sở hợp nhất ba trường thành viên.
Quá trình tiến hành triển khai Đề án sau khi được Bộ Giáo dục – Đào tạo phê duyệt sẽ thực hiện làm 3 bước:
- Năm 2004: Ban hành Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Bến Tre, bổ nhiệm Ban Giám hiệu mới, bổ nhiệm cán bộ, sắp xếp bộ máy các phòng, khoa; xây dựng Đề án thành lập các trung tâm và Dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
- Năm 2005 - 2006: Triển khai thực hiện Đề án thành lập các trung tâm và Dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xin mở các mã ngành đào tạo mới theo nhu cầu của địa phương, tiến hành cử giảng viên đi đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ theo kế hoạch, đồng thời tuyển dụng bổ sung số giảng viên còn thiếu.
- Năm 2007 - 2010: tiếp tục xin mở các mã ngành hệ Cao đẳng theo nhu cầu ngành nghề của địa phương, tiếp tục cử giảng viên đưa đi đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ và tuyển dụng bổ sung giảng viên; củng cố các điều kiện để bảo đảm quy mô, chất lượng và hiệu quả đào tạo, mở rộng các dịch vụ theo nhu cầu xã hội.
3. Thành tựu của Trường Cao đẳng Bến Tre
3.1. Những thành tựu trong năm đầu tiên thành lập (năm học 2004-2005)
Thứ nhất, Trường Cao đẳng Bến Tre đã kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự theo Quyết định số 4357/QĐ-UB ngày 12 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, gồm: Ban giám hiệu (Hiệu trưởng, 03 phó Hiệu trưởng), 5 phòng chức năng (Hành chính- Tổng hợp; Tổ chức cán bộ và Công tác học sinh- sinh viên; Tài vụ; Đào tạo và Quản trị) và 7 khoa có nhiệm vụ tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn; sư phạm; Nghệ thuật; Nông- Lâm- Thủy sản; Kinh tế- Tài chính và Kỹ thuật- Công nghệ. Biên chế nhà trường có 269 cán bộ, viên chức trên cơ sở bố trí, sử dụng đội ngũ hiện có của 3 trường thành viên trước khi hợp nhất. Trong số 176 cán bộ giảng dạy có 22 người trình độ thạc sĩ, 127 người có trình độ đại học. Đảng bộ Trường Cao đẳng Bến Tre được thành lập theo Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Liên cơ trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, chi bộ Trường Trung học Kinh tế- Kỹ thuật Bến Tre và chi bộ Trường Trung học Kỹ thuật- Công nghiệp Bến Tre. Đảng bộ gồm 12 chi bộ các phòng, khoa. Công đoàn cơ sở, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trường Cao đẳng Bến Tre được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức Công đoàn cơ sở, 3 tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của 3 trường thành viên. Hội sinh viên Trường Cao đẳng Bến Tre được kiện toàn, phát triển trên cơ sở Hội sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre.
Thứ hai, về đào tạo nhà trường tiếp tục tổ chức đào tạo các mã ngành trình độ cao đẳng đáp ứng nhu cầu xã hội (cao đẳng sư phạm Mầm non, cao đẳng Tiếng Anh, cao đẳng Tin học); đào tạo các mã ngành trung cấp chuyên nghiệp khối ngành Kinh tế- Kỹ thuật, Nông- Lâm- Thủy sản là thế mạnh của 2 trường thành viên trước đây. Bên cạnh đó, trường thực hiện liên kết đào tạo trình độ cao đẳng khối ngành Kinh tế, tổ chức đào tạo chương trình liên thông giáo viên Tiểu học trình độ cao đẳng theo Dự án phát triển giáo viên Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ ba, về công tác bồi dưỡng nhà trường mở rộng hệ bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên Tiểu học, giáo viên Mầm non đạt trình độ trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm; bồi dưỡng giáo viên Tiểu học, giáo viên Trung học cơ sở phục vụ cho thay sách giáo khoa và bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn theo chu kỳ; đồng thời thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở.
Kết quả trong năm học đầu tiên 2004 - 2005, Trường Cao đẳng Bến Tre đã đào tạo gần 4.000 học sinh, sinh viên; trong đó đào tạo hệ chính qui 697 sinh viên Cao đẳng và 1.794 học sinh hệ Trung cấp chuyên nghiệp. Các lớp liên kết, liên thông đại học trên 800 học viên.
Để phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, trường đã tiến hành sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập. Trên cơ sở tiếp nhận, quản lý, sử dụng 4 cơ sở của 3 trường thành viên, Trường lập đề án xây dựng cơ sở vật chất theo Đề án thành lập Trường và sửa chữa chống xuống cấp các cơ sở hiện có để thiết thực phục vụ công tác dạy và học .
3.2. Những thành tựu trong những năm học tiếp sau (từ năm học 2005-2006 đến nay).
Về công tác tổ chức, Trường Cao đẳng Bến Tre tiếp tục kiện toàn bộ máy, nhân sự. Cơ cấu bộ máy nhà trường trước đây (05 phòng, 07 khoa) không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2007, bộ máy nhà trường cơ cấu lại gồm 08 phòng chức năng, 10 khoa đào tạo và hình thành các Trung tâm trực thuộc. Nhằm chuẩn bị cho các bước phát triển mới, lãnh đạo Trường đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch cán bộ quản lý, quy hoạch đào tạo- bồi dưỡng cán bộ, viên chức từ năm 2006 đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Biên chế nhân sự trường hiên có 262 cán bô, viên chức, nhà trường lập kế hoạch tuyển dụng giáo viên còn thiếu ở lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, Nông - Lâm - Thủy sản để bổ sung nguồn cán bộ giảng dạy, đồng thời điều chuyển cán bộ dựa trên cơ sở năng lực làm việc phù hợp tại đơn vị phòng, khoa mới thành lập hoặc mới chia tách. Những giải pháp trên đã góp phần giảm tải sức ép tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Đảng bộ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010- 2015, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy nhà trường. Hiện Đảng bộ có 18 chi bộ trực thuộc. Nhiều năm liền đã gắn kết chặt chẽ việc thực hiện cuộc vận động theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục”, “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các phòng, khoa, cán bộ, viên chức với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong cơ quan.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo, nhà trường tiếp tục mở rộng các mã ngành trình độ cao đẳng theo hướng ưu tiên tuyển sinh khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Nông- Lâm- Thủy sản; thu hẹp quy mô đào tạo khối trung cấp chuyên nghiệp. Trong các năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt cho Trường đào tạo các ngành trình độ cao đẳng: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện, Việt
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Hội đồng khoa học và đào tạo của trường định hướng mở rộng phạm vi, quy mô các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho giáo dục, kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả chung, tính từ năm học 2004 - 2005 đến nay, trường đã có 552 đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy, 42 sáng kiến kinh nghiệm và 73 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nổi bật là 09 đề tài cấp tỉnh, 03 đề tài hợp đồng với Dự án phát triển giáo viên Trung học cơ sở tập trung nghiên cứu phục vụ thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học phổ thông. Có 03 giảng viên và 01 tổ chuyên môn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích trong nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã soạn thảo và ban hành các quy định: Quy định về nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm đối với cán bộ, giảng viên và giáo viên; Quy định về hợp tác quốc tế, Quy định về sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, nhà trường đang tiến hành các khâu, các bước cho hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tiến tới đăng ký kiểm định với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Phương hướng phát triển của Trường Cao đẳng Bến Tre đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020
4.1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ cấu tổ chức hiện tại của nhà trường (08 phòng, 10 khoa) theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng đào tạo- bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu xã hội; nâng cao vị thế, uy tín nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; thành lập các đơn vị mới theo đề án thành lập Trường: khoa Ngoại ngữ, Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học, Trung tâm đào tạo lái xe, Trung tâm dịch vụ phục vụ học sinh-sinh viên; tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch cán bộ quản lý giai đoạn 2006 đến 2010 và 2010 đến 2020 bảo đảm về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên từ năm 2010-2020 theo hướng đạt trình độ chuẩn, trẻ hóa, có tính kế thừa bền vững. Nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, tích cực thực hiện đề án đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ với ba phương án: đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài và kết hợp đào tạo trong nước với ngoài nước gắn liền với cách tiếp cận, tuyển chọn, bố trí, đánh giá giảng viên theo mô hình quốc tế, đảm bảo đến năm 2015 tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sỹ là 10%, thạc sỹ là 50% . Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ tiến sỹ đạt 15% và thạc sỹ đạt 65%.
4.2. Phát triển quy mô đào tạo bồi dưỡng, mở rộng các mã ngành mới, liên kết đào tạo trình độ đại học bằng nhiều hình thức phù hợp, đa dạng đáp ứng cho yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu góp phần tăng tỷ lệ lao động tại địa phương qua đào tạo đạt 60% vào năm 2020 theo hướng mở rộng quy mô, cơ cấu, hình thức đào tạo trình độ cao đẳng, thu hẹp dần trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
Thực hiện tự kiểm định chất lượng giáo dục tiến đến đăng ký kiểm định với Bộ Giáo dục và Đào tạo; khảo sát, đánh giá và đầu tư có trọng điểm vào việc củng cố, xây dựng các mối quan hệ đối ngoại, chủ động tìm hiểu và thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước, ngoài nước có tiềm năng khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế để rút ngắn thời gian tăng cường xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ; tổ chức thi thống nhất trong nhà trường (khảo thí) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
4.3. Đổi mới phương thức nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ viên chức theo hướng nâng cao hiệu quả tác dụng của đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng đề tài, sáng kiến trong phát triển kinh tế- xã hội; từng bước độc lập một phần kinh phí hoạt động. Nâng chất hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên; mở rộng công tác quan hệ quốc tế giữa nhà trường với các tổ chức nước ngoài theo hướng nâng cao, phát triển hoạt động của nhà trường.
4.4. Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án đầu tư xây dựng, cải tạo và mở rộng Trường Cao đẳng Bến Tre thành trường Đại học với các bước đi thích hợp, đáp ứng yêu cầu bức xúc về giảng dạy, học tập trong nhà trường. Tập trung ở các công trình xây dựng phục vụ giảng dạy, học tập, thực hành thí nghiệm cho giảng viên, giáo viên và học sinh- sinh viên.
KẾT LUẬN
Thành tựu của Trường Cao đẳng Bến Tre mà tiền thân là các trường thành viên đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo Bến Tre. Chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống các trường giáo dục chuyên nghiệp đã cơ bản hình thành gắn với nhiệm vụ chính trị, khẩn trương đào tạo cán bộ trên mọi lĩnh vực đáp ứng yêu cầu cấp bách những năm đầu sau chiến tranh. Trong hoàn cảnh địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song tỉnh vẫn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho các trường. Đáp ứng lòng mong mỏi của các cấp lãnh đạo và sự nghiệp cách mạng lúc bấy giờ. Thành tựu của trường trong thời gian qua khẳng định khả năng tổ chức, tính ưu việt của nền giáo dục cách mạng.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục của Chính phủ, tập thể cán bộ viên chức của trường đã quyết tâm phấn đấu vươn lên bằng nhiều giải pháp năng động, mở ra nhiều ngành nghề, loại hình đào tạo. Nhà trường không những coi trọng về qui mô đào tạo mà còn luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Học sinh của trường sau khi tốt nghiệp phải hội đủ các tiêu chuẩn: phẩm chất chính trị tốt, có trách nhiệm cao với nghề nghiệp, thành thạo tay nghề, có trình độ ngoại ngữ, tin học, có khả năng nắm bắt thông tin khoa học, công nghệ, kiến thức quản lý, có ý thức vươn lên trong công tác và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Với tinh thần trách nhiệm vì người học, tập thể giáo viên nhà trường luôn cổ vũ, khuyến khích các phong trào thi đua học tập để ngày càng có nhiều học sinh xuất sắc, giỏi, khá, tích cực tham gia hoạt động xã hội, vươn lên lập thân, lập nghiệp, cống hiến ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp.
Với niềm tự hào về bề dày truyền thống của mình, với niềm tin vào sức mình và con đường phát triển tươi sáng gắn với nhiều vận hội mới, thời cơ mới, nhà trường từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng cho yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng bền vững, nâng cao uy tín và vị thế nhà trường trong quá trình đổi mới chất lượng giáo dục và đào tạo.
Bài học kinh nghiệm quí báu trong quá trình xây dựng Trường Cao đẳng Bến Tre, được tập thể sư phạm nhà trường đúc kết là: Thứ nhất, nhà trường đã xây dựng được một bộ máy tổ chức, một cơ chế quản lý lãnh đạo hiệu quả với một tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, một Ban lãnh đạo cùng hệ thống các khoa, phòng chức năng, các đoàn thể quần chúng đoàn kết, không ngừng nâng cao năng lực quản lý các mặt hoạt động của nhà trường. Thứ hai, nhà trường đã có một đội ngũ cán bộ giảng dạy giàu nhiệt tình, sáng tạo, mạnh về chính trị và tích cực vươn tới giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Thứ ba, trường đã có một cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật theo hướng vươn tới hiện đại hoá, đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của một trường Cao đẳng đa ngành.
Nhìn lại chặng đường đã qua đầy gian nan và thử thách, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường tự hào về sự phấn đấu nỗ lực rất lớn của thầy, trò nhà trường. Chắc chắn rằng với những thành tựu đạt được và nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết có ý nghĩa lớn lao cho từng cá nhân và tập thể để quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa trong chặng đường kế tiếp.