Đang truy cập: 15 Trong ngày: 139 Trong tuần: 398 Lượt truy cập: 3966892 |
|
30-03-2016 07:50
KHAI THÁC THẾ MẠNH ĐỘI NGŨ CÁC NHÓM NGHIÊN CỨU CHUYÊN NGÀNH, LIÊN NGÀNH VÀ
XÂY DỰNG NGÂN HÀNG Ý TƯỞNG NGHIÊN CỨU, SÁNG TẠO
Ths. Huỳnh Thị Kim Tuyến
“Khai thác thế mạnh đội ngũ các nhóm nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành và xây dựng ngân hàng ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo” là chủ đề Hội nghị khoa học của trường Cao đẳng Bến Tre, diễn ra ngày 25.03.2016, với sự tham dự của ThS. Võ Thị Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bến Tre và các thành viên trong hội đồng khoa học nhà trường, tác giả các ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm là tìm giải pháp nâng tầm hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên hướng đến các hoạt động NCKH ngày càng hiệu quả hơn.
Các đại biểu tham dự được nghe trình bày ba tham luận chính và bốn ý kiến chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp trong NCKH của đại diện các tiểu ban Xã hội, Tự nhiên, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Tài chính; đặc biệt tại Hội nghị, lần đầu tiên nhà trường công bố trong tài liệu Hội nghị danh mục các ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp của các tác giả ở các khoa KH XH&NV, phòng NCKH-QHQT, khoa Sư phạm, khoa Kỹ thuật Công nghiệp và nhóm Sáng tạo Trẻ... là những minh họa thuyết phục và là cơ sở thúc đẩy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp của CBGV, HSSV nhà trường sau Hội nghị rất thiết thực này.
Thầy Lê Thành Công, Hiệu trưởng nhà trường – Chủ trì hội nghị đã đưa ra bốn vấn đề trọng tâm cần được thảo luận là:
1. Tính lợi ích của nhóm nghiên cứu chuyên ngành. Cần làm rõ nhóm nghiên cứu liên ngành. Vì sao phải lập nhóm nghiên cứu liên ngành?
2. Cách tiếp cận các chương trình khoa học – công nghệ của tỉnh. Giải pháp nâng cao hiệu quả các đề tài nghiên cứu.
3. Nhóm ý tưởng nào cần lưu ý, triển khai và thực hiện.
4. Vai trò của các nhóm nghiên cứu tương lai cần thể hiện thế nào để phát huy tác dụng của nhóm nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành.
H1: Thầy Lê Thành Công (Chủ trì hội nghị) gợi ý các vấn đề thảo luận
Nhiều ý kiến thảo luận tại hội nghị thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đại biểu về chủ đề Hội nghị đặt ra và nhiều điều cần được giải đáp xoay quanh cách thức được chọn lựa làm đề tài cấp tỉnh, đây là “sân chơi” được xem “khó tiếp cận” đối với nhà trường. Đặc biệt, Hội nghị được nghe ThS. Võ Thị Thanh Hà, đại diện Sở KH-CN chia sẻ chân tình về cách thức được tuyển chọn làm đề tài cấp tỉnh. Đó là sự mới về ý tưởng, hoặc mới về đối tượng, phương pháp hay vật liệu…. Đồng thời, các đề tài cấp tỉnh thường giải quyết các vấn đề lớn, cấp bách và bức xúc, vì thế nhà trường không nên “đơn thân độc mã” thực hiện mà nên có sự liên kết, cần chọn đối tác thích hợp cùng phối hợp nghiên cứu sẽ tăng sức thuyết phục và đạt hiệu quả hơn. Sở KH-CN sẽ cung cấp tư liệu hỗ trợ cần thiết phục vụ đề tài nghiên cứu.
H2: Bà Võ Thị Thanh Hà (P.GĐ Sở KH-CN) trình bày tham luận tại Hội nghị
Kết luận hội nghị, thầy Lê Thành Công nêu bật sáu vấn đề trọng tâm sau phiên thảo luận là:
1. Cần thay đổi nhận thức trong NCKH, suy nghĩ cách thức mới, định hướng hoạt động của từng tiểu ban với nhân sự phù hợp trong từng nhóm nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành. Các tiểu ban không nên loay hoay trong phạm vi trường, cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, liên kết với các sở, ban ngành để có những bước đi thích hợp trong NCKH.
2. Khi thành lập nhóm nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành: cần xác định cách làm có phù hợp với năng lực của từng tiểu ban hay không.
3. Ý tưởng khoa học: cần xuất phát từ các Câu lạc bộ NCKH, các trung tâm ứng dụng khoa học – công nghệ, các nhóm xã hội, các doanh nghiệp…Cần cụ thể hóa ý tưởng, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong đăng ký đề tài NCKH.
4. Cách tiếp cận đề tài cấp tỉnh: cần bám sát yêu cầu địa phương, các chương trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Nên phát triển cách tiếp cận từ xã hội, doanh nghiệp…
5. Chế độ, chính sách: cần hướng đến kích thích công tác NCKH, sắp xếp công tác chuyên môn, đầu tư thích đáng cho NCKH.
6. Bám sát các kế hoạch liên tịch của Sở KH-CN và trường CĐBT, phối kết hợp chặt chẽ với các trường Cao đẳng-Đại học, doanh nghiệp, ban ngành…
Với những diễn biến tích cực của Hội nghị, hy vọng trong tương lai, hoạt động NCKH của nhà trường ngày càng thu hút sự quan tâm, có được cơ chế, điều kiện để triển khai đạt hiệu quả cao về chất lượng cũng như số lượng, đóng góp tích cực cho phong trào Đồng Khởi – Khởi nghiệp, xứng đáng là cơ quan tri thức của tỉnh.